Thương hiệu thông minh phải là thương hiệu phục vụ xã hội
Tại điểm bán lẻ ở Best Denki – Ngee Ann City, những người mua thiết bị điện tử Philips để làm quà cho cha có thể cá nhân hóa tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị và viết những thông điệp dành cho người cha theo cách của riêng họ.
Các thương hiệu thông minh đang hành động như những người phục vụ giúp cho việc tương tác offline trở nên dễ dàng, hiệu quả và có ý nghĩa hơn.
Thế giới trực tuyến đã tạo nên sự kết nối xã hội nhanh hơn, dễ dàng hơn và xa hơn. Nhưng dường như thế giới offline đã không thể theo kịp nhịp độ này. Châu Á là nơi mà truyền thống, tục lệ và những điều cấm kỵ vẫn còn ảnh hưởng rất mạnh. Người tiêu dùng châu Á ngày càng mong đợi rằng những tương tác offline cũng có thể diễn ra thoải mái và dễ dàng như các tương tác online.
Và các thương hiệu thông minh đã chỉ ra lỗ hổng này bằng cách trở thành “người phục vụ xã hội”. Các thương hiệu này đang sáng tạo những công cụ, dịch vụ và sáng kiến tạo điều kiện cho các hoạt động tương tác xã hội trong thế giới thật của người tiêu dùng.
Những công nghệ mới và thiết bị được kết nối ngày càng trở nên phổ biến hơn, và cũng có nhiều cơ hội hơn để các thương hiệu đưa các chức năng trực tuyến vào thế giới thật. Các thương hiệu tiên phong bắt đầu tận dụng điều này để chuyển tải truyền thông trực tuyến vào không gian thật bằng những cách hữu ích và tinh tế. Sau đây là một số sáng kiến thú vị tại châu Á trong thời gian gần đây:
Thành phố Busan – Hàn Quốc
Hệ thống giao thông ưu tiên cho những hành khách mang thai.
Tháng 4/2016, thành phố Busan tung ra một dự án thí điểm nhằm nhắc các hành khách đang ngồi ở vị trí ghế ưu tiên về sự hiện diện của một ai đó thật sự cần đến những chiếc ghế này. Những phụ nữ đang mang thai đăng ký với chiến dịch “Đèn hồng” của Busan sẽ được nhận một chiếc đĩa có chức năng Bluetooth – có khả năng làm chiếc đèn ở gần ghế ưu tiên nhấp nháy khi họ tiến đến gần đó. Đèn sẽ tắt khi họ ngồi xuống.
Đây là chương trình hợp tác giữa chính quyền thành phố Busan và Công ty Truyền thông Daehong.
Chiến dịch “nơ hồng” – Pakistan
Pakistan là nước có tỷ lệ ung thư vú cao nhất ở châu Á: 40.000 phụ nữ tử vong vì căn bệnh này trong năm 2015. Tuy nhiên, tại Pakistan lại tồn tại một sự cấm kỵ khi nói về ung thư vú, đặc biệt là đối với những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn.
Chương trình “The Pink Bra” được thiết kế nhằm giúp phụ nữ Pakistan phát hiện sớm bệnh ung thư vú, đây là sự hợp tác giữa Công ty Quảng cáo Tonic International và Pink Ribbon Pakistan (là một tổ chức từ thiện với mục tiêu xây dựng một cộng đồng toàn cầu hỗ trợ các bệnh nhân ung thư vú và gia đình họ).
Từ thói quen của phụ nữ địa phương là thường cất tiền trong áo ngực, chương trình thiết kế những chiếc áo chứa các hướng dẫn chi tiết bên trong để người phụ nữ có thể tự kiểm tra về bệnh và cung cấp đường dây nóng để họ có thể tư vấn y khoa miễn phí.
Cornetto – Trung Quốc
Những bức thư tình làm tan chảy trái tim giúp giới trẻ bày tỏ cảm xúc.
Tháng 7/2016, thương hiệu kem Cornetto tung ra một chiến dịch khuyến khích giới trẻ Trung Quốc theo đuổi tình yêu. Dựa trên sự thấu hiểu rằng người trẻ của nước này ít có trải nghiệm bày tỏ tình yêu so với giới trẻ phương Tây, thương hiệu kem này đã sáng tạo những lá thư tình trực tuyến mà khách hàng có thể tiếp cận bằng cách quét mã QR trên những bao bì Cornetto đặc biệt và nhận được thư qua WeChat hay QQ. Người nhận có 520 giây để đọc bức thư trước khi nó “tan chảy”.
Philips Singapore và tình cha
Trong nhiều xã hội châu Á, tình cha con vẫn khó được bày tỏ hơn tình mẹ con. Nhân dịp Ngày của Cha năm nay vào tháng 6/2016, Philips đã giới thiệu một chương trình ở Singapore nhằm giúp người tiêu dùng thể hiện tình cảm với cha của họ một cách thoải mái hơn. Tại điểm bán lẻ ở Best Denki – Ngee Ann City, những người mua thiết bị điện tử Philips để làm quà cho cha có thể cá nhân hóa tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị và viết những thông điệp dành cho người cha theo cách của riêng họ.
Leave a Reply